Moldavit: Tự nhiên hay nhân tạo?

Danh mục nội dung

Tektit là thủy tinh tự nhiên được tạo thành do sự va chạm của thiên thạch với bề mặt trái đất (khác với thủy tinh tạo thành do hoạt động núi lửa ví dụ như Obsidian). Quá trình va chạm đã làm tan chảy một phần các đất đá xung quanh chỗ tiếp xúc và sau đó kết tinh nhanh chóng thành thủy tinh tự nhiên. Một trong số các biến loại của Tektit được sử dụng làm đá quý khá phổ biến là Moldavit, gặp nhiều ở miền Nam Bohemia, Cộng hòa Séc. Chúng được hình thành do sự va chạm của thiên thạch với miệng núi lửa Ries ở miền nam nước Đức cách đây 14,7 triệu năm, và trong vòng bán kính khoảng 500km từ đây có thể gặp Moldavit tự nhiên. Moldavit tự nhiên khá nổi tiếng với màu xanh lá cây và cấu trúc thú vị. Được sử dụng làm đồ trang sức cả ở dạng thô hoặc mài nhẵn. Giá trị của nó gần đây đã tăng đáng kể và kết quả là trên thị trường đã xuất hiện khá nhiều thủy tinh nhân tạo giống Moldavit.

Hình 1: Một mẫu thủy nhân tạo giống Moldavit kích thước khá lớn tại Hà Nội – Việt Nam

(Ảnh: Jaroslav Hyršl.)

Trên thực tế, việc tổng hợp Moldavit không có gì mới. Moldavit xuất hiện nhiều trong đồ trang sức ở Séc vào nửa sau của thế kỷ 19, thường được kết hợp với Granat (Pyrop) và ngọc trai nước ngọt kích thước nhỏ. Việc sử dụng Moldavit giảm dần vào đầu thế kỷ 20 khi các sản phẩm làm giả từ thủy tinh màu xanh lá cây bắt đầu xuất hiện. Một nghiên cứu gần đây của một số tác giả về 5 bộ trang sức gắn Moldavit (gồm các sản phẩm: vòng tay, trâm cài và hoa tai) trong bộ sưu tập của Bảo tàng Nghệ thuật Trang trí Praha được biết tới có tuổi từ nửa sau thế kỷ 19, đã cho thấy một kết quả bất ngờ. Chỉ có một bộ là Moldavit tự nhiên, tất cả các viên đá màu xanh trong bốn bộ khác được kết luận là đồ giả làm bằng thủy tinh.

May thay, việc xác định Moldavit tự nhiên không quá khó khăn. Moldavit tự nhiên có cấu trúc dòng chảy, nhiều bọt khí (trong moldavit tự nhiên số lượng bọt khí thường nhiều hơn nhiều so với trong moldavit nhân tạo). Moldavit tự nhiên còn chứa các bao thể dạng “dây” Lechatelierit (Lechatelierit là một dạng SiO2 nhiệt độ cao đang kết tinh, có thể nhận dạng dễ dàng do có chiết suất thấp).

Hình 2: Bọt khí và bao thể Lechatelierit đặc trưng trong Moldavit tự nhiên (Ảnh: Jaroslav Hyršl.)

Cấu trúc Lechatelierit khá dễ quan sát bằng loup kết hợp với chỉ số khúc xạ RI của Moldavit tự nhiên khá thấp.

Những mẫu Moldavit thô có bề mặt chưa được đánh bóng thì việc xác định khó khăn hơn nhiều. Nhưng thông thường những mẫu Moldavit tự nhiên thường có kích thước không lớn (thường không quá 100gr). Bề mặt thô nhám một cách hoàn hảo cũng là một dấu hiệu cho thấy Moldavit có thể là thủy tinh nhận tạo.

Gần đây, các nhà sản xuất Trung Quốc đang cho ra những mẫu Moldavit tổng hợp nhỏ, nặng chỉ vài gram, khá giống tự nhiên. Đặc điểm bề mặt của Moldavit tự nhiên là do ăn mòn tự nhiên, còn thủy tinh nhân tạo, các dấu hiệu bề mặt không đều có thể được tạo ra bằng việc ngâm mẫu trong axit flohydric (HF).

Hình 3: Bốn mẫu Moldavit tổng hợp/ thủy tinh nhân tạo do DOJILAB tiếp nhận kiểm định của khách hàng.

Nếu viên đá được đánh bóng và không quan sát thấy các cấu trúc “dây” lechatelierit, kèm với chỉ số khúc xạ RI cao thì đây là thông tin hữu ích để kết luận đó là thủy tinh nhân tạo.

Nếu viên đá là dạng mẫu thô, bạn có thể ngâm mẫu trong nước hoặc dầu có chiết suất gần bằng chiết suất thủy tinh thì cấu trúc Lechatelierit sẽ dễ dàng hiển thị nếu có.

Thủy tinh nhân tạo có tỷ trọng cao hơn so với Moldavit tự nhiên (xem bảng dưới).

Quan sát đặc điểm phát quang cũng khá hữu ích. Moldavit tự nhiên không phát quang, còn thủy tinh nhân tạo hầu hết có phát quang dưới tia cực tím sóng ngắn, tuy vậy vẫn có một số mẫu thủy tinh nhân tạo trơ dưới tia cực tím nhưng những mẫu này sẽ có một hoặc một vài tính chất khác không phù hợp với Moldavit tự nhiên. Một ví dụ mà tác giả bài viết đưa ra, cách đây vài năm tác giả đã kiểm tra một mẫu thủy tinh không phát quang dưới tia cực tím nhưng tỷ trọng của mẫu khá lớn lên tới 3,6 hoàn toàn không phù hợp với Moldavit tự nhiên.

Tính chất Moldavit tự nhiên Moldavit tổng hợp từ Trung Quốc Moldavit tổng hợp từ kế kỷ 19
Màu sắc Lục nhạt tới nâu Lục nhạt Lục nhạt
Chiết suất 1,49 (1,48-1,51) 1,52 1,545-1,580
Tỷ trọng 2,35 (2,27-2,46) 2,52-2,53 Không có thông tin
Phát quang dưới tia cực tím Trơ Phát quang dưới tia cực tím sóng ngắn Trơ

 

Hình 4: Mẫu Moldavit nhân tạo dạng thô khi quan sát dưới độ phóng đại 10 lần có nhiều bong bóng khí và không có cấu trúc Lechatelierit đặc trưng của Moldavit tự nhiên (Ảnh: DOJILAB)

Bài viết tham khảo: https://www.gia.edu/gems-gemology/spring-2015-gemnews-moldavites-natural-fake

Đăng ký khóa học
Đăng ký khóa học
Đăng ký khoá học