Viên kim cương lớn, Kiểu IIa từ bang Arkansas, Hoa Kỳ

Danh mục nội dung

Viên kim cương Kiểu IIa, nặng 1,16 ct, được tìm thấy năm 2020 tại Công viên Crater of Diamonds State, bang Arkansas. Ảnh do Diego Sanchez cung cấp.

Gần đây, phòng kiểm định của GIA tại Carlsbad có cơ hội kiểm tra một viên kim cương đúng là “hoàn toàn của Mỹ”. Viên kim cương được chế tác hình gối, gần như không màu, nặng 1,16 ct được đưa đến cùng với một chứng thư giám định chứng nhận rằng nó đến từ Công viên Crater of Diamonds State thuộc bang Arkansas, Hoa Kỳvà được chế tác từ một viên kim cương thô nặng 2,73 ct do William Dempsey khai thác vào tháng 7 năm 2020. Viên kim cương này được cho là đã được chế tác và đánh bóng trong nước tại bang Bắc Dakota. Kết quả giám định viên kim cương này là màu H (gần như không màu) với độ tinh khiết là SI1 (do có một khe nứt bên trong). Công viên Crater of Diamonds State là mỏ kim cương cho phép khai thác có thu phí duy nhất trên thế giới, nơi mà bất kỳ ai có tinh thần của một nhà khai mỏ cũng có thể hy vọng tìm kiếm được một viên đá quý thực thụ (theo Summer 2020 Gem News International, “Finders, keepers: Field trip to Crater of Diamonds, USA,” pp. 311–314). Với trọng lượng 2,73 ct, viên kim cương thô này là viên đặc biệt lớn đối với mỏ kim cương Arkansas, nơi chủ yếu chỉ tìm thấy những viên dưới 1 cara.

Các nhà nghiên cứu tại GIA rất hứng thú với việc tìm hiểu viên đá độc đáo này, đặc biệt là việc phân tích các bao thể để có thể làm sáng tỏ lịch sử địa chất của mỏ kim cương Arkansas. Tuy nhiên, viên kim cương lại khá sạch, không chứa các bao thể dạng tinh thể. Có điều hơi bất ngờ là, phân tích phổ hồng ngoại FTIR cho thấy viên kim cương này thuộc Kiểu IIa không chứa tạp chất nitơ. Kiểu kim cương IIa là cực kỳ hiếm trong số kim cương tự nhiên, và một số nghiên cứu đã cho thấy chúng được hình thành ở độ sâu lớn hơn nhiều so với hầu hết kim cương Kiểu I (theo E.M. Smith et al., “Large gem diamonds from metallic liquid in Earth’s deep mantle,” Science, Vol. 354, No. 6318, pp. 1403–1405). Sự vắng mặt của các bao thể trong viên kim cương này là phù hợp với đặc điểm kim cương Kiểu IIa của nó. Dưới thiết bị Diamond View nó phát quang màu lơ tương đối đều. Phổ quang phát quang cũng khẳng định nguồn gốc tự nhiên của nó.
Việc phát hiện ra một viên kim cương Kiểu IIa đã là đủ để gây ra sự chú ý rồi, nhưng việc nó có xuất xứ từ nước Mỹ, nơi chỉ có một lượng nhỏ kim cương, thì đúng là một sự kiện đáng lưu tâm hơn nhiều.
Theo Aaron C. Palke và Christopher M. Breeding
Trong “Gems & Gemology, Winter 2020, Vol. 56, No. 4”

Đăng ký khóa học
Đăng ký khóa học
Đăng ký khoá học