13/10/2013
Danh mục nội dung
Hội nghị Ngọc học Quốc tế (International Gemmological Conference – IGC) lần thứ 33 do Đại học Quốc gia Hà Nội và Tập đoàn Vàng bạc đá quý DOJI đồng tổ chức đã chính thức khai mạc sáng ngày 13/10/2013 và diễn ra đến ngày 16/10/2013 tại Hà Nội.
Tham dự Hội nghị có ông Nguyễn Quân, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ; ông Phan Xuân Dũng, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học Công nghệ và Môi trường của Quốc hội; ông Châu Văn Minh, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam; ông Nguyễn Linh Ngọc, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường; GS. Viện sĩ Nguyễn Văn Hiệu, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam.
Hội nghị IGC 33 thu hút sự tham gia của gần 100 đại biểu là các nhà khoa học, các nhà chuyên môn nổi tiếng đến từ 35 quốc gia trên thế giới như: Mỹ, Anh, Pháp, Đức, Thụy Sỹ, Ý, Canada, Nga, Nhật Bản, Hàn Quốc, Cộng hòa Séc, Thái Lan… và nước chủ nhà Việt Nam.
Hội nghị Ngọc học quốc tế IGC là hội nghị uy tín và lâu đời nhất trong lĩnh vực Ngọc học được tổ chức định kỳ 2 đến 3 năm một lần, mỗi lần đăng cai tại một châu lục, quy tụ các nhà Ngọc học và các nhà chuyên môn của hầu hết các quốc gia có ngành đá quý phát triển trên thế giới. IGC lấy nền tảng là Ngọc học cho mọi chủ đề của hội nghị với mục đích trao đổi những kết quả nghiên cứu, những thông tin mới nhất về khoa học, kiến thức, công nghệ sản xuất và kinh doanh đá quý.
Mục tiêu lâu dài của IGC là thúc đẩy sự phát triển của ngành Ngọc học tại các quốc gia khác nhau, thông qua các cơ sở đào tạo và các Viện Ngọc học quốc gia trên toàn cầu. Hội nghị IGC 33 là dịp để giới thiệu, quảng bá về hình ảnh đất nước Việt Nam tươi đẹp giàu tài nguyên thiên nhiên, đặc biệt là các loại đá quý rất có giá trị, góp phần đưa ngành đá quý Việt Nam hội nhập với khu vực và thế giới.
Trong những ngày diễn ra Hội nghị, các nhà khoa học, nhà nghiên cứu Việt Nam và quốc tế sẽ báo cáo và thảo luận 63 báo cáo, trong đó phía Việt Nam có 5 báo cáo, xoay quanh các chủ đề lớn khác nhau với những nội dung mang tính thời sự như: phân biệt và nhận biết đá quý tự nhiên và nhân tạo, cập nhật thông tin về các phương pháp xử lý, nâng cấp chất lượng đá quý, đánh giá chất lượng đá quý và định giá, khai thác đá quý…
Phát biểu tại Hội nghị, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Nguyễn Quân cho biết, Việt Nam là một đất nước có tài nguyên đá quý rất phong phú, đa dạng. Những địa danh như Trúc Lâm – Lục Yên hay Quỳ Châu, Quỳ Hợp – Nghệ An đã được ghi danh trên bản đồ đá quý quốc tế. Những sản phẩm trang sức và thủ công mỹ nghệ được tạo từ bàn tay người thợ Việt Nam tài hoa đã được đón nhận nồng nhiệt ở nhiều nơi trên thế giới.
“Ngành công nghiệp vàng bạc đá quý và trang sức trong nước cũng đang có những tiềm năng phát triển to lớn để hôi nhập với quốc tế và khu vực. Do đó, hội nghị Ngọc học lần này thực sự là cơ hội cho các nhà khoa học Việt Nam và quốc tế gặp gỡ, trao đổi và thảo luận các chủ đề lớn, các công trình nghiên cứu giá trị về Ngọc học- một ngành khoa học lớn và lâu đời. Hội nghị sẽ góp những thông tin quý báu giúp các cơ quan quản lý của Việt Nam có được những định hướng, chính sách đúng đắn và các đề án, kế hoạch phát triển ngành khoáng sản đá quý nước nhà, góp phần đưa việc khai thác, giám định, chế tác và sản xuất đá quý của Việt Nam trở thành một ngành công nghiệp vững mạnh, đóng góp cho sự phát triển kinh tế – xã hội của đất nước”- Bộ trưởng nhấn mạnh.
Ông Đỗ Minh Phú- Chủ tịch Tập đoàn Vàng bạc đá quý DOJI cho biết, những nghiên cứu về ngọc học cho thấy Việt Nam có tiềm năng lớn về nhiều loại đá quý, được tìm thấy ở nhiều khu vực khác nhau, đặc biệt là các mỏ Ruby và Saphir. Trong khoảng 20 năm qua, cùng với việc phát hiện và khai thác nhiều mỏ đá quý trên lãnh thổ Việt Nam, thì hoạt động nghiên cứu khoa học – công nghệ về đá quý cũng được quan tâm thích đáng, bao gồm các nghiên cứu về địa chất, thăm dò và khai thác đá quý, công nghệ xử lý và gia công chế tác đá quý.
Trong số các công trình nghiên cứu đá được công bố, đáng kể nhất là các nghiên cứu về địa chất đá quý của các nhà khoa học thuộc Đại học Quốc gia Hà Nội, Viện Khoa học Địa chất và Khoáng sản, Viện Khoa học Vật liệu, Viện Vật lý,… Đặc biệt là gần 40 công trình của các nhà chuyên môn của Tập đoàn vàng bạc đá quý DOJI về phương pháp xử lý nhiệt ruby, saphir Việt Nam, về phương pháp cắt mài chế tác ruby sao trong gần 20 năm qua….