Phòng thí nghiệm ở New York đã nhận được hai viên kim cương mài cabochon từ Hồng Kông, cả hai đều có hiệu ứng sao. Các nhà ngọc học ban đầu đã nghi ngờ liệu những viên đá quý này có thực sự là kim cương hay không do kiểu chế tác cabochon và “ngôi sao” bốn tia màu trắng quan sát thấy dưới ánh sáng sợi quang. Kiểu mài cabochon là kiểu chế tác phổ biến đối với đá màu nhưng hiếm khi được áp dụng với kim cương do độ cứng cao của nó. Kỹ thuật mài cắt và đánh bóng kiểu này đã cho ra hai viên kim cương cabochon bán trong đến trong mờ có màu vàng rất nhạt, trọng lượng khoảng 6,29 ct và 6,07 ct (hình 1). Quang phổ hồng ngoại giữa cho thấy các dải hấp thụ mạnh liên quan đến hydro (ví dụ dải 3107 cm–1) và các dải được gán cho nitơ dạng tập hợp trong vùng có một phonon, là bằng chứng của kim cương kiểu Ia tự nhiên (hình 2). Quan sát dưới kính hiển vi từ phần đáy của các viên cabochon này cho thấy những đám mây phổ biến phân bố khắp các viên kim cương. Các đám mây này được tạo nên từ các chấm kim nhỏ màu trắng, và khi được sắp xếp thẳng hàng, chúng tạo thành các bao thể bên trong nhỏ giống như hình kim (hình 3). Các hình ảnh huỳnh quang có được khi quan sát bằng Diamond View cho thấy huỳnh quang màu lục phớt vàng trong các khu vực có mây Các khu vực không có mây thì trơ dưới bức xạ cực tím UV. Các mô hình huỳnh quang đối xứng đã quan sát thấy ở cả hai viên đá với các hình ảnh gần như phản chiếu qua gương (hình 4).
Hình 1. Các hình ảnh này cho thấy các bao thể dạng đám mây bên trong khi quan sát từ bên hông (hình trái) và hiệu ứng sao khi quan sát từ trên xuống các viên cabochon đã chế tác bằng cách sử dụng chiếu sáng bằng đèn sợi quang (hình phải). Đường kính của hai viên cabochon là 11,33 mm (trên) và 11,32 mm (dưới).
Hình 2. Phổ FTIR cho thấy đây là kim cương kiểu Ia tự nhiên với hàm lượng hydro cao trong vùng 3000 – 4000 cm-1 và nitơ dạng tập hợp trong vùng có một phonon ở 1400 – 800 cm-1. Phổ của viên kim cương cabochon 6,29 ct được biểu thị bằng đường màu đỏ và viên kim cương có trọng lượng 6,07 ct bằng đường màu lam.
![]() |
![]() |
Hình 3. Các bao thể dạng mây và kim que thấy đuwọc khi quan sát từ phần dưới của hai viên kim cương cabochon có màu vàng rất nhạt: viên 6,29 ct (hình trái, thị trường1,8 mm) và viên 6,07 ct (hình phải, thị trường 6,5 mm).
Hình 4. Các hình ảnh quan sát dưới Diamond View của viên kim cương mài cabochon tròn màu vàng nhạt cho thấy vị trí của hiệu ứng sao bằng cách sử dụng ánh sáng cực ngắn, khoảng 225 nm. Việc quan sát từ mặt trên xuống thể hiện ở bên trái trong mỗi cặp hình ảnh, việc quan sát từ phần dưới thể hiện ở bên phải.
Hình dạng bát diện thường chiếm ưu thế trong quá trình sinh trưởng của kim cương tự nhiên, nhưng đôi khi dạng khối lập phương cũng phát triển hoàn thiện, tạo thành một tinh thể với các dạng quen sinh trưởng hỗn hợp. Khu vực sinh trưởng dạng lập phương có thể có xu hướng chứa một lượng đáng kể các đám mây của các bao thể chấm kim. Đặc điểm này gặp khá phổ biến trong kim cương từ Zimbabwe. Không giống như những viên kim cương khác có các bao thể đám mây, các đám mây ở đây tập trung trong các khu vực sinh trưởng sắp xếp thẳng hàng với nhau để tạo thành các bao thể hình kim. Sự phân bố của các bao thể hình kim này trong phạm vi các đới sinh trưởng đã tạo ra hiệu ứng sao quan sát thấy trong những viên kim cương này. Các đặc điểm ngọc học và quang phổ đã chứng tỏ rõ ràng rằng những viên kim cương này được cắt ra từ cùng một tinh thể kim cương thô lớn. Tinh thể này rất có thể đã được cắt qua tâm theo một mặt phẳng và sau đó được chế tác thành hai viên kim cương cabochon tương đối lớn. Việc tận dụng các bao thể hình kim phổ biến trong tinh thể kim cương lớn thật nhiều khuyết tật này là một lựa chọn thiết kế thông minh để tạo ra hai viên cabochon có hiệu ứng sao hiếm gặp này.
Theo Erica A. Watts.
Trong Gems & Gemology, Spring 2021, Vol. 57, No. 1
