Nhóm tác giả gần đây đã nghiên cứu một viên kim cương kiểu IaA màu vàng phớt nâu nhạt có trọng lượng 0,75 ct. Viên kim cương này có cấp độ tinh khiết I1 và chứa ít nhất 10 bao thể màu cam, bao thể lớn nhất có kích thước khoảng 500 μm (khoảng 0,5 mm) chiều dài. Một trong số các bao thể màu cam này có hình dáng rất giống một con côn trùng đang bay, với đôi cánh đang vỗ và những chiếc râu tạo ra bởi các vết nứt xung quanh bao thể (hình 1). Phân tích phổ Raman cho thấy các bao thể này là pyrope – almandine – grossular thuộc nhóm garnet, (Mg,Fe,Ca)3Al2(SiO4)3, khoáng vật chủ yếu của đá eclogit (eclogite).
Hình 1. Phần lộ ra của bao thể garnet màu cam với các vết nứt xung quanh nằm bên trong viên kim cương màu vàng phớt nâu này trông giống như một con côn trùng đang bay. Bao thể được chụp dưới kính hiển vi ngọc học, trường quan sát: 1,58mm. Ảnh: Mei Yan Lai
Eclogit và peridotit (peridotite) là hai loại đá gốc chính chứa kim cương nằm trong thạch quyển. Trên toàn thế giới, tỷ lệ kim cương có chứa bao thể khoáng vật của đá eclogit so với peridotit là khoảng 1:2 (Theo T. Stachel and J.W. Harris, “The origin of cratonic diamonds – constraints from mineral inclusions,” Ore Geology Reviews, Vol. 34, No. 1-2, 2008, pp. 5–32).
Mặc dù sự có mặt của các bao thể thường sẽ làm giảm cấp độ tinh khiết của viên kim cương, nhưng những viên kim cương chứa bao thể có thể nhìn thấy được cũng rất hiếm. Nghiên cứu về một số viên kim cương nhỏ hơn (~2 mm) từ Nam Phi và Botswana đã cho thấy tỷ lệ kim cương chứa bao thể rất thấp (khoảng 1% trong tổng số một triệu viên kim cương được khảo sát; theo Stachel và Harris, 2008). Do đó, một viên kim cương đạt chất lượng đá quý chứa hơn 10 bao thể như trên là điều khá đặc biệt.
Nguồn: https://www.gia.edu/gems-gemology/spring-2023-microworld-flying-insect-in-diamond